Chú Giải Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXVII Mùa Thường Niên (Lc 10,25-37) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ HAI TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 10,25-37

Bài đọc I: Gl 1, 6-12

Trong vòng một tuần rưỡi, chúng ta sẽ trở lại bức thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Galata.

Bức thư này được viết vào thời kỳ Hội Thánh bị "khủng hoảng" trầm trọng: một số Kitô hữu gốc Do Thái đòi hỏi các Kitô hữu gốc ngoại giáo phải chấp nhận một sự nghi lễ cổ truyền của luật Môsê, cách riêng, tục cắt bì. Phaolô phản đối mãnh liệt. Đối với ông, việc ấy động cập đến nền tảng đức tin Kitô giáo: Nếu người ta cứ tuân giữ luật cũ, thì cái mới của Đức Kitô sẽ hóa ra vô dụng. Đàng khác, các người "tân tòng Do Thái" đã muốn làm giảm uy tín ông Phaolô, nói rằng ông không thủ đắc được mới nền giáo lý đích thực: "Dù sao, ông Phaolô này đã lấy quyền nào đưa những điều mới lạ vào truyền thống Môsê, ông không phải là thành phần của Nhóm Mười Hai đã sống với Đức Giêsu, và rồi, ông đã là kẻ bắt đạo xưa kia?

Đoạn đầu bức thư là để trả lời cho sự công kích cá nhân này.

Có một vài kẻ phá rối anh em và muốn xáo trộn Tin Mừng của Đức Kitô.

Danh từ Tin Mừng được viết bảy lần trong bài đọc hôm nay (71 lần trong toàn bộ các thư của Thánh Phaolô). Tin Mừng, đòi hỏi của Tin Mừng, đó là ông phải sống yêu thương. Đàng khác, đối với Phaolô, Tin Mừng trước tiên không phải là một nội dung chứa đựng lời giảng và ngôn từ của Đức  Giêsu, mà là một "sự hiện diện linh hoạt" : Chính Đức  Kitô. Làm đảo lộn Tin Mừng của Đức  Kitô là chối bỏ niềm tin vào Đức Kitô, Đấng Cứu Thế duy nhất. Chẳng hạn như nghĩ tưởng theo các người Biệt phái cho rằng các nghi lễ và phong tục hợp với lề Luật là đủ cho con người được cứu rỗi.

Đức  Kitô là trung tâm đời sống tôi không?

Nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một sứ thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi!

Người ta nói rằng bức thư gửi giáo đoàn Galata là một thứ “thác dung nham". Thí dụ rõ ràng là Phaolô dùng một giọng nói xúc động và có tính cách bút chiến. Tôi có yêu mến Đức Kitô với kẻ hăng say và mãnh bệt như vậy không?

Thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi rao giảng không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài người truyền lại hay dạy dỗ cho tôi Tin Mừng ấy. Nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mạc khải.

Các Kitô hữu gốc Do Thái quả quyết chắc chắn rằng giáo lý mà Phaolô rao giảng thì không chính xác vì nó không phát xuất tự các Tông-đồ.

Phaolô trả lời rằng, ông lãnh nhận mạc khải trực tiếp nơi Đức Kitô. Về sau chúng ta sẽ thấy ông cũng lo lắng tìm cách liên kết chặt chẽ với giáo huấn chung của các tông đồ khác.

Người ta không sáng chế ra Tin Mừng, người ta chỉ lãnh nhận và tùng phục Tin Mừng... Chính Thiên Chúa, Đấng đã có sáng kiến tự mạc khải mình. Tôi có dùng thời giờ để lãnh nhận Tin Mừng không? Tôi có chấp nhận để Tin Mừng hạch hỏi và đặt vấn đề về cách thức tôi suy tưởng và hành động không? Tôi có tự tạo cho mình một thứ "Tiểu Tin Mừng" để tùy nghi sử dụng, thay vì chấp nhận nguyên trạng không?

Nào tôi tìm cách lấy lòng người đời? Nếu đúng trường hợp như thế, thì tôi không phải là tôi tớ của Đức Kitô.

Phaolô vẫn khăn khăng như thế. Không có hai thứ Tin Mừng: Khuynh hướng hiện nay của nhiều người có lẽ cũng suy tưởng theo hướng tâm mình. Trong thực tế, phải đối xử  dễ dãi với người khác, nhưng phải cứng rắn hết sức với chính mình để trở thành “đầy tớ” của Đức  Kitô.

Bài đọc II: Gn 1, 1-2-11

Tường thuật về Giona không phải là bản tự thuật về một con người thật (ta nói điều đó một lần thay cho tất cả, khỏi vấp phạm vì những chi tiết khó tin), đây là một “midrash", nghĩa là một câu truyện tưởng tượng nhằm mục đích giáo dục. Đây là một trong các dụ ngôn hay nhất của Cựu ước nhắc cho chúng ta rằng "mọi người, cả những kẻ thù hung dữ nhất của Israel đều được gọi đến ơn cứu rỗi”. Được viết vào thế kỷ thứ V trước Chúa Giêsu Kitô, vào thời mà Edơm đề cao tính đặc thù của Israel để cứu vãn đức tin chân chính, sách Giona mạnh tái xác quyết "ơn gọi truyền giáo” của dân Chúa: Thiên Chúa yêu thương các lương dân và vui mừng khi họ hối cải.

Có lời phán cùng Giona: “ Ngươi hãy chỗi dậy đi sang Ninive, một thành rộng lớn, và giảng tại dó, vì tội ác của nó thấu đến Ta".

Như thế, từ dòng đầu của dụ ngôn này, tác giả tỏ cho chúng ta chìa khóa: Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa của Israel, mà của mọi dân.

Tội  một lương dân phạm cũng gây hại cho Thiên Chúa như tội của một Kitô hữu và Thiên Chúa mong chúng ta trở lại với mọi người. Tình yêu của Thiên Chúa là phổ quát. Dù thuộc màu da, văn hóa hay tôn giáo nào, chúng ta cũng được gọi tới ơn cứu rỗi.

Giona liền trỗi dậy để trốn sanh Tharsê lánh mặt Chúa.

Thay vì theo đường đến Ninivê, ở phía đông Palestina Giona theo hướng khác hoàn toàn. Ong trốn về hướng Tây, về cuối địa Trung Hải. Thực sự, Giona không muốn Ninivê hối cải chút nào. Đối với một người Do Thái, Ninivê là kẻ thù truyền kiếp, dân thờ ngẫu tượng, quyền lực ác độc vừa mới bắt dân Israel đi lưu đày.

Nhưng ta đừng quá phê phán sứ ngôn đã bịt tai lại trước lời Chúa này. Cả chúng ta nữa - Chúng ta lại chẳng hẹp hòi như vậy bao giờ sao? Chúng ta thực sự lắng nghe tiếng gọi truyền giáo không? Chúng ta có yêu thương kẻ thù không? Chúng ta lại chẳng tạo ra quanh mình những ranh giới an toàn bảo vệ mình khỏi những luồng gió mạnh thổi ra khơi sao? Lòng chúng ta phổ quát như lòng Chúa không?

Nhưng Chúa khiến trận cuồng phong thổi trên biển.

Không gì có thể ngăn cản Chúa thực hiện kế đồ cứu rỗi phổ quát của Người. Người sắp xếp để đưa Giona trở lại hướng Ninivê. Với sự khôi hài, có cả một con cá lớn trách nhiệm về việc đó nữa

Lạy Chúa, xin nói lại cho chúng con biết rằng ý truyền giáo của Chúa luôn kiên vững và không ai có thể đánh bại kế đồ của tình thương nhân ái Chúa dành cho mọi người được. Chính các biến cố sắp buộc Giona "quay lại với các lương dân". Thường các biến cố, các khủng hoảng thúc đẩy Hội Thánh đừng đóng kín trên mình. Khi đức tin bị nguy hiểm, có khuynh hướng khép mình lại. Khi các Kitô hữu là thiểu số giữa thế giới không tin. Au sẽ là an toàn khi ở lại giữa các Kitô hữu".

Mà lúc Hội Thánh không bình lặng trong các bức tường nữa, lúc Hội Thánh ở trong giông bão thế gian, thì Hôi thánh ở trong hoàn cảnh liên hệ với các lương dân, truyền giáo giữa lòng thế giới. Chúng ta có biết nên men trong bột, nên muối đất không ?

Lúc đó ông Gioan xuống lòng tàu nằm ngủ mê mệt.

Giona hãy thức dậy! Anh em ông đang lâm nguy.

Các Kitô hữu, đừng ngủ, bao lâu bạn chưa làm tất cả để đem Tin Mừng đến cho mọi người.

BÀI TIN MỪNG: Lc 10, 25-37

Bấy giờ có người thông luật kia muốn thử Đức Giêsu, mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”.

Tôi có hay tự đặt cho mình câu hỏi như thế không?

Trước câu hỏi đó, tự nhiên tôi sẽ trả lời thế nào? Sự sống... Sự sống đời đời.

Nếu đời ta chỉ dừng lại trước cái chết, thì ta sẽ là những người  bất hạnh nhất. Sự sống trần gian quả là rất ngắn ngủi. Vì một ngày nào đó sẽ dừng lại. Tất cả những gì có thể kết thúc, đều vắn vỏi. Hơn nữa, nếu cuộc sống có bao gồm một số sung sướng, thì cũng mang chứa nhiều gánh nặng mà ta phải đảm trách, nhất là với độ dài của năm tháng : Tất cả các văn chương cổ thời và hiện đại đều chứa đầy những bi kịch của thân phận con người. Thật là ngây thơ, nếu ta bịt mắt làm ngơ trước thực tại đó !

Trong mọi thời đại, con người đều hy vọng vào một “sự sống khác". Đức  Giêsu thường nói đến sự sống này. Người còn nói, sự sống đời đời đó đã khởi sự. Nó đang đi tới, dù chắc chắn chưa thành toàn.

Tôi có ao ước sự sống đó không? Tôi có luôn nghĩ đến nó không? Tôi có bắt đầu sống sự sống đó?

Người đáp: “Trong Luật Môsê đã viết gì? ông đọc xem sao?

Thay vì trả lời câu hỏi do người thông luật đặt ra, Đức Giêsu lại nêu câu hỏi khác, đòi chính ông ta phải xác định lập trường

sự sống đời đời không phải là một vấn đề mà người khác có thể giải quyết thay tôi được.

Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn người, và phải yêu người thân cận như chính mình.

Người thông luật đã trích dẫn sách Đệ Nhị Luật (6,5) và sách Lêvi (19,18) : nói tới luật yêu thương. Yêu Thiên Chúa và yêu người thân cận. Như thế, không có gì mới lạ. Không có gì đặc sắc. Mọi tôn giáo lớn đều có chung cơ sở cốt yếu này. Điều đó lại có sẵn trong Cựu ước. Sứ điệp của Đức  Giêsu, trước tiên đặt nền tảng trên thái độ cao cả của con người.

Nhưng ai là người thân cận của tôi?

Đó mới thực sự khởi đầu tất cả cái mới lạ mang tính cách của Tin Mừng. Ở đây, Luca tướng thuật cho ta một câu chuyện được Đức Giêsu dàn dựng. Luca là người duy nhất trong các thánh sử đã truyền đạt cho ta một trang tuyệt vời, mà vẫn giữ được sự  xuyên suốt trong toàn bộ Tin Mừng Đối với Đức Giêsu, tình yêu người thân cận đi tới cả "kẻ thù" Cần phải nghe lại Người nói.

Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp... bị đánh nhừ tử và bị để nửa sống nửa chết bên lề đường... Một thầy tư tế đi qua, rồi một Thầy Lêvi… đều trông thấy nạn nhân và tránh qua một bên và đi. Nhưng một người Samari…

Nơi Luca (9, 25-55), ta đã nhận thấy người Samari thường bị khinh ghét như thế nào rồi!

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai là người thân cận của người…

Đức  Giêsu đảo ngược hoàn toàn quan niệm về người thân cận. Người thông luật hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” (nghĩa thụ động): Theo nghĩa này thì những người khác là người thân cận của tôi. Còn Đức Giêsu lại trả lời ông ta: "Vậy ông là người thân cận của ai ? (nghĩa chủ động): Theo đó, thì chính ta có thân cận với người khác hay không. 

Người thân cận, chính là "tôi” khi đến gần kẻ khác để yêu thương.

Ta không còn phải hỏi “ai là người thân cận của tôi” nữa, mà cần tư vấn "tôi sẽ sống thân cận với mọi người như thế nào?”.

Cận kề tôi, những người bị khinh bỉ, bị coi thường, khó yêu là những người nào ? "

Người Samari thấy vậy thì động lòng thương. Ong ta lại gần băng bó những vết thương đặt người ấy trên lưng lừa của mình, săn sóc… Ông hãy về và làm như vậy.

 

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Điều răn thứ nhất.

HOÀN CẢNH:

Đức Giêsu và nhóm luật sĩ luôn có những bất đồng.Vì luật sĩ, thay vì chỉ đường cho người ta đến với Thiên Chúa để tận hưởng tình yêu của Người, thì họ lại đặt trên vai dân ách hà khắc của lề luật và nặng nề của lễ tế nhân danh Thiên Chúa. Nên Đức Giêsu đã nhiều lần, với vai trò cứu thế của Người, bẻ gãy tất cả những gánh nặng của lề luật mà luật sĩ chất lên vai dân, khiến cho họ thù ghét và tìm cách hãm hại Người. Luật sĩ trong Tin Mừng hôm nay đến hỏi thử Chúa về lề luật trọng nhất.

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

1. Bài Tin Mừng này được cả ba thánh sử: Mátthêu, Máccô và Luca ghi lại, những cách diễn tả khác nhau;đồng thời được phụng vụ dùng nhiều lần trong năm,điều đó chứng tỏ luật mến Chúa và yêu người,không những quan trọng về ý nghĩa nhưng còn quan trọng cả về phương diện áp dụng thực hành nữa.

2. Lòng bác ái của Chúa Giêsu biểu lộ cách vô điều kiện, nghĩa là không tùy thuộc vào đối tượng. Ơ đây luật sĩ này, vốn chống đối Chúa,lại đến”hỏi thử” Chúa, thế mà Người vẫn bình tĩnh đối thoại và trả lời cách cặn kẽ mạch lạc về điều răn trọng nhất. Khi làm việc bác ái, chúng ta cần nêu cao đặc tính  vô điều kiện theo mẫu gương Chúa Giêsu.

3. “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”: câu hỏi này cũng được một người giàu có đặt ra ở Lc 18,18.

Nhưng khi trả lời thì:

Lc 10,25: Chúa trả lời về luật mến Chúa yêu người.

Lc 18,18: Chúa trả lời trước hết phải tuân giữ các điều răn, sau nữa phải thi hành bác ái để sống tinh thần nghèo khó và siêu thoát.

Như vậy cả hai lần, Chúa đều nhấn mạnh về điều kiện đức ái: mến Chúa yêu người để được Nước Trời làm cơ nghiệp.

Sống bác ái: mến Chúa, yêu người là con đường dẫn vào sự sống đời đời.

4. Theo giáo huấn của Chúa ở đây, thì: đặc tính của tình yêu mến Chúa là trọn vẹn, hoàn hảo, đầy đủ và ưu tiên; còn đặc tính của tình yêu thương tha nhân là đồng hóa tha nhân như chính bản thân mình.

Tình yêu đích thực của người Kitô hữu phải được chứng tỏ qua những đặc tính ấy, vì “cứ làm như vậy sẽ được sống”(10,15).

5. Dụ ngôn người Samari tốt lành trình bày về mẫu gương bác ái Kitô giáo:

- Bác ái vô điều kiện: không phân biệt đối tượng. Vì người Sammari không phân biệt người bị nạn là ai.

- Bác ái vị tha: vì chỉ mong cho người bị nạn được cứu sống.

- Bác aí vô vị lợi: vì người Sammari sẵn sàng tổn phí mà không đòi cho mình một đền bù nào.

6. Thái độ tương phản giữa thầy tư tế, thầy Lêvi với người Samari đã làm nổi bật óc vụ luật làm ngăn cản tình bác ái của thầy Lêvi và thầy tư tế; đang khi đó người Sammari này không bị lệ thuộc vào luật khắt khe và luật  đụng chạm vào người bị nạn, cũng bị nhơ nhớp, vì người bị nạn đồng hóa với người tội lỗi xấu xa.

Điều này chứng tỏ: tình bác ái thương người phải vượt trên mọi lề luật, vì luật được đặt ra vì ích lợi cho con người. Trong thực tế chúng ta đừng quá câu nệ vào lý do này hay lý do khác để miễn chước cho mình thực thi bác ái thương người.

7. Hãy quan sát tâm tình, cử chỉ, việc làm của người Sammari đối với người bị nạn:

“Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu, đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, và đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa vào quán trọ mà săn sóc. Hôm sau ông lấy ra hai quan tiền trao cho người chủ quán và nói: “nhờ bác chăm sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, khi trở về chính tôi sẽ hoàn lại bác”(10,34-35).

Bạn hãy thực hành cách tận tình như vậy để chứng tỏ lòng bác ái như vậy.

8. “Người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp: chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót với người ấy”(10,37). Như vậy, người thân cận đích thực không phải chỉ là những người đang sống bên tôi, nhưng là tất cả những ai mà giữa tôi với họ không có hàng rào ngăn cách về tinh thần cũng như tình cảm.

9. “Ông hãy đi và cũng làm như vậy”.

Biết: chưa đúng, cần phải làm đúng mới đúng. Quan sát thêm dụ ngôn hai người con được người cha sai đi làm vườn nho (Mt 21,28-32) để mau mắn là việc bác ái và phục vụ tha nhân trong cuộc sống hằng ngày.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.